Search the Site

Donate

Love Your Neighbor (Vietnamese)

Lê-vi Ký 19:18 mang ý nghĩa là bạn phải đối xử với người Y-sơ-ra-ên đồng hương của bạn một cách đúng đắn; câu Kinh Thánh này nằm trong bộ tuyển tập luật lệ bao gồm điều răn về tình yêu thương dành cho người xa lạ.


Timothy Washington
Timothy Washington

Yêu Thương Người Láng Giềng Của Bạn NBản Thân Mình (Lê-vi Ký 19:18)

Tác giả: Marc Zvi Brettler

Dịch sang tiếng Việt: Bùi Kim Thanh, Hội Thần Học Thánh Kinh Việt Nam

 

“Yêu thương người láng giềng của bạn như bản thân mình” thực sự có ý nghĩa gì? Tân Ước xem điều này là một điều răn rất quan trọng, “Đối xử với người khác như cách bạn muốn họ đối xử với bạn” (Ma-thi-ơ 7:12), cũng như trong văn phẩm của các Ra-bi “Điều gì bạn ghét thì không làm điều đó với người khác” (b. Shabbat 31a). Tuy nhiên ai là người phải được yêu thương? Và tình yêu đó nên được thể hiện như thế nào?

Cụm từ “yêu người láng giềng của bạn” nghĩa là gì?

Điều răn “Ngươi hãy yêu người lân cận như chính mình” là một trong những các điều răn khác trong Lê-vi Ký 19:15–18:

Ngươi chớ phạm sự bất nghĩa trong việc xét đoán; chớ bất công với người nghèo, chớ thiên vị kẻ quyền-thế: hãy cứ theo công-bình mà xét-đoán kẻ lân-cận ngươi. Ngươi chớ buông lời phao-vu trong dân-sự mình, chớ hưởng lợi từ máu của người lân cận: Ta là Đức Giê-hô-va. Ngươi chớ có lòng ghét bỏ anh em mình; hãy sửa-dạy kẻ lân-cận mình, đừng vì cớ họ mà phải mắc tội. Ngươi chớ báo thù hay mang ác cảm với dân-sự mình, nhưng hãy yêu người lân cận như chính mình: Ta là Đức Giê-hô-va.

Mỗi câu Kinh Thánh trong Lê-vi Ký 19:15–18 có ít nhất một từ đề cập đến người Y-sơ-ra-ên — “người lân-cận,” “dân-sự mình,” “anh em mình” — rồi kết thúc với “như chính mình.” Theo cách hiểu thông thường của Lê-vi Ký 19:18, thì cụm từ “như chính mình” bổ nghĩa cho động từ “yêu” và đòi hỏi bạn phải yêu người lân cận giống như cách bạn yêu chính mình, cách giải thích này có lẽ là sai lầm. Theo ngữ cảnh của Lê-vi Ký 19:18 thì cụm từ “như chính mình” được dùng để bổ nghĩa cho “người lân cận,” vì vậy Lê-vi Ký 19:18 có nghĩa là bạn phải yêu người hàng xóm, một người giống như bạn — đó là: người láng giềng Y-sơ-ra-ên, người bà con, hoặc người đồng hương.

Nhưng đây không phải là tất cả những vấn đề. Lê-Vi Ký 19:34 ghi lại rằng: “Người ngoại nào cư ngụ trong xứ các ngươi thì được kể như là người công dân sống trong vòng các ngươi, hãy yêu họ như chính ngươi, vì ngươi đã từng làm khách kiều-ngụ trên đất Ai Cập: Ta là Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của các ngươi.” Ý tưởng này gần giống với ý nghĩa của câu Lê-vi Ký 19:18 và là một phần của một đơn vị nhỏ chú trọng vào khách kiều-ngụ, đó là, những người không phải là người Y-sơ-ra-ên nhưng đang sống ở giữa cộng đồng Y-sơ-ra-ên; họ cũng phải được yêu thương.

Nhưng tình “yêu thương” này bao gồm những gì. Trong ngôn ngữ Hê-bơ-rơ từ ’ahav (thường được dịch là “yêu”) mang nhiều nghĩa. Trong sách Nhã-ca, từ ’ahav đề cập đến tình dục; trong một số câu chuyện khác thì từ ’ahav nói về tình yêu giữa cha mẹ và con cái; ở nơi khác nó lại có nghĩa là dục vọng.  Xuất Ê-díp-tô Ký 21:5 chép lại một nô lệ nói rằng,”tôi thương [’ahav] chủ của tôi, vợ tôi, và các con tôi: tôi sẽ không đi ra ngoài để làm một người tự do”— động từ ’ahav ở đây có ý nghĩa gần như là “thích” hoặc “lựa chọn chịu đựng.”

Một cách dùng khác của từ ’ahav có thể làm rõ ý nghĩa của nó trong Lê-vi Ký 19. Nhiều phân đoạn Kinh Thánh khác nhau, đặc biệt là trong Phục-truyền Luật-lệ Ký, ra lệnh cho dân Y-sơ-ra-ên phải kính yêu Đức Chúa Trời. Nổi bật nhất là Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:5, câu thơ thứ hai của lời cầu nguyện Shema: “Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức yêu kính Giê hô-va, Đức Chúa Trời của ngươi.” Ngữ cảnh của câu này đề xuất rằng ý nghĩa của nó chủ yếu đòi hỏi một sự vâng phục Đức Chúa Trời chứ không phải chỉ là một thái độ của tâm trí hay là một cảm xúc, cách “hành động” phản ảnh tình yêu dành cho Chúa. Ý tưởng này phù hợp với sự dạy dổ trong Lê-vi Ký 19:18 và Lê-vi Ký 19:34 — khẳng định rằng người Y-sơ-ra-ên và người khách kiều-ngụ phải được đối xử đúng cách.

Lê-vi Ký có mang tính chất luật pháp?

Mặc dù có một số thánh kinh luật, chẳng hạn như phép cắt-bì (Sáng-thế Ký 17), được lồng trong tài liệu truyện ký, phần lớn các luật lệ đều được tìm thấy trong các bộ sưu tập pháp lý. Các học giả thường gọi các các bộ sưu tập pháp lý này là “luật lệ,” nhưng gọi như vậy là không đúng, vì không giống như các luật lệ của các truyền thống pháp lý sau này, các luật lệ này không có hệ thống và cũng không được hoàn chỉnh, và chúng ta không biết chắc rằng các nhóm luật lệ này có được sử dụng bởi các thẩm phán của một hệ thống tư pháp hay không. Vì các lý do này, từ “bộ sưu tập” thì phù hợp hơn cho các nhóm luật lệ được tìm thấy trong Xuất Ê-díp-tô Ký 20:22–23:19, Lê-vi Ký 17–26 và Phục-truyền Luật-lệ Ký 12–26.

Lê-vi Ký 17–26 được gọi là bộ “Sưu tập về sự Thánh khiết,” vì nó đã phán truyền toàn cộng đồng Y-sơ-ra-ên trở nên thánh, như trong Lê-vi Ký 19:2: “Hãy truyền cho cả hội chúng Y-sơ-ra-ên rằng: Hãy nên thánh, vì ta Giê hô-va, Đức Chúa Trời các ngươi vốn là thánh.” Nó mở rộng khái niệm của sự thánh-khiết dành cho các thầy tế lễ, được tìm thấy trong tài liệu trước đó, cho toàn dân sự Y-sơ-ra-ên.

“Bộ sưu tập về sự thánh-khiết” không phải là tác phẩm của một người mà là một bản tổng hợp của nhiều nguồn được viết trước đó. Điều này giải thích tại sao nó chứa hai danh sách rất giống nhau về các mối quan hệ tình dục bị cấm trong Lê-vi Ký 18 và Lê-vi Ký 20. Một số học giả nhận ra rằng phần đầu của chương Lê-vi Ký 19, nằm trước điều răn về tình yêu thương, như một sự lập lại của Mười điều răn, vì nó bắt đầu bằng các điều răn kính hiếu cha mẹ, tuân giữ ngày Sa-bát (Lê-vi Ký 19:3), rồi tiếp theo đó là các lệnh cấm thờ hình tượng (Lê-vi Ký 19:4), trộm cắp (Lê-vi Ký 19:11) và thề dối (Lê-vi Ký 19:12).

Lê-vi Ký 19:18 chứa đầy sự bất ngờ. Hầu hết các độc giả hiểu sai điều răn nổi tiếng: “Ngươi hãy yêu người lân cận như chính mình,” theo ý nghĩa quá rộng. Tuy nhiên, khái niệm tình yêu thương người đồng hương lân cận nhỏ hẹp này chỉ là một phần của một bộ sưu tập lớn bao gồm nhiều lý tưởng cao cả khác. Lê-vi Ký 19:34 chú trọng đến tình yêu dành cho người kiều ngụ và nói lên rằng “tình yêu” là cách đối xử đúng đối với mọi người. Tình yêu này không phải là một lời nói hay là một cảm xúc mà là những hành động đạo đức – những việc làm của người vâng phục Đức Chúa Trời.

  • Marc Zvi Brettler

    Marc Zvi Brettler is the Bernice and Morton Lerner Professor of Jewish Studies in the Department of Religious Studies at Duke University. He is the author of How to Read the Jewish Bible (Oxford, 2007) and coeditor of The New Oxford Annotated Bible, The Jewish Study Bible, and The Jewish Annotated New Testament.